U hạt nhiễm khuẩn
I. ĐẠI CƯƠNG
U hạt nhiễm khuẩn (pyogenic granuloma -PG) có biểu hiện là một khối u ở da màu đỏ, bóng, hình tròn hoặc bầu dục. Bệnh còn có tên gọi khác là u hạt giãn mạch(granuloma telangiectaticum) hay u mao mạch dạng thuỳ (lobular capillary angioma). Bề mặt thương tổn giống quả dâu hoặc miếng thịt sống được cắt nhỏ. Bệnh lành tính nhưng có thể gây khó chịu và chảy máu. Bệnh có thể gặp ở bất cứ tuổi nào nhưng thường gặp hơn ở trẻ em và người trẻ.
Nguyên nhân chính xác gây PG chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố liên quan tới bệnh như:
1. Sang chấn: móng chọc thịt sau các chấn thương ở đầu ngón.
2. Nhiễm khuẩn, virus.
3. Hormon: phụ nữ mang thai, người dùng thuốc tránh thai
4. Thuốc: isotretinoin uống, thuốc điều trị ung thư như 5-FU, kháng TNF-alpha, vermurafenib, kháng thể đơn dòng kháng CD20, cyclosporin, levothyroxin.
5. U máu, bớt rượu vang, dị dạng mạch máu.
II. LÂM SÀNG
1. Tổn thương cơ bản: sẩn nhỏ, không có cuống, màu đỏ hoặc xanh đen, tăng kích thước nhanh trong vài ngày đến vài tuần, kích thước trung bình khoảng 0.2-2.0cm, Tổn thương dễ chảy máu, có thể loét, hình thành vảy tiết.
2. Cơ năng: bệnh nhân có thể đau. Đa số trường hợp chỉ có 1 tổn thương đơn độc, tuy nhiên cũng có trường hợp xuất hiện nhiều tổn thương.
3. Vị trí thường gặp: đầu, cổ, nửa thân trên, tay (đặc biệt là ngón tay) và chân. Phụ nữ mang thai hay gặp ở trong miệng.
III. MÔ BỆNH HỌC: tập hợp dạng thuỳ các mạch máu nằm trong cấu trúc mô bị viêm.
IV. ĐIỀU TRỊ: Loại bỏ yếu tố nguy cơ nếu có. Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào vị trí (đặc biệt ở vùng mắt, gần móng hay trong miệng gây đau hoặc khó cắt khâu trực tiếp), kích thước thương tổn, tỷ lệ tái phát, vấn đề thẩm mỹ.
A. Các biện pháp loại bỏ tổn thương:
1. Phẫu thuật:
- Ưu tiên trong trường hợp: tổn thương tái phát nhiều lần, đáp ứng kém với phương pháp điều trị khác, cần lấy mô để sinh thiết.
- Cắt khâu trực tiếp hay được lựa chọn nhất do tỷ lệ tái phát thấp, nhược điểm có thể để lại sẹo.
- Cắt hớp có tỷ lệ tái phát cao hơn nhưng không để lại sẹo. Để hạn chế tái phát, tăng hiệu quả có thể dùng PDL hoặc KTP vào đáy tổn thương.
2. Laser:
- Ưu tiên trong trường hợp: những vùng phẫu thuật khó khăn.
- Laser CO2: 98% đáp ứng hoàn toàn sau 1 lần điều trị, 88% không để lại sẹo.
3. Áp lạnh: 1-4 đợt, cách 2-4 đợt.
B. Các biện pháo dùng thuốc:
1. Thuốc tại chỗ:
- Imiquimod 5%: bôi cách ngày 1 lần, rồi tăng dần, từ 2-17 tuần.
- Timilol 0.5%: vị trí gần mắt, bôi ngày 2 lần, ít nhất 3 tuần.
- Corticoid tiêm nội thương tổn: 1 tuần/ lần, 6-8 tuần, giúp thu nhỏ tổn thương, sau đó phẫu thuật loại bỏ.
2. Thuốc toàn thân: nếu tổn thương lớn, có thể corticoid 1mg/kg/ngày, giảm liều nhanh trong 5 tuần.
TÀI LIỆU:
1. Sách "HÌNH ẢNH LÂM SÀNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ TRONG CHUYÊN NGÀNH DA LIỄU" tập 1, BV Da liễu Trung Ương, trường ĐH Y Hà Nội.
2. Hình 1, 2: Lâm sàng Khoa Da liễu Phòng khám Đa khoa Thành Công.